Bài viết mới
Video mới
Ế chồng vì quá ngoan

 

Ảnh minh họa: Extrahappiness.com.

Xinh xắn, dịu dàng, tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định nhưng dù đã sang tuổi 33, Ngọc vẫn chưa có mối tình vắt vai hay thậm chí bạn đúng nghĩa.

Khi đưa con gái đến Phòng khám về rối nhiễu tâm trí Tu Na (Phố Vọng, Hà Nội), bố mẹ Ngọc - đều là các cán bộ cao cấp trong một cơ quan nhà nước - tha thiết nhờ các chuyên gia giúp con gái họ đỡ... ngố, giao tiếp khá hơn để lấy được chồng.

Theo lời các bậc phụ huynh kể thì ngay từ nhỏ, Ngọc đã là đứa trẻ kém cỏi, chậm chạp, chứ không sắc sảo, hoạt bát như chị gái cả hay khôn ngoan, nhanh nhẹn như anh trai thứ hai, nên họ luôn cảm thấy rất lo lắng, phiền lòng. Họ phải lo cho cô con gái út từ lúc đi học đến xin việc, đi đâu cũng phải theo sát, dặn dò, và luôn nghĩ nếu không có người nhà ở bên cạnh thì cô sẽ không thể thích ứng với cuộc sống phức tạp.

Tuy nhiên, khi gần gũi trò chuyện và dùng một số bài kiểm tra trí tuệ, các chuyên gia lại nhận thấy Ngọc là cô gái hoàn toàn bình thường, có hiểu biết về cuộc sống, xã hội, chỉ thiếu... thực hành. Cô cũng thổ lộ rằng, từ nhỏ đã luôn bị bố mẹ và các anh chị chê bai, coi thường nên cô luôn cảm thấy tự ti, thụ động. Đi đâu cũng bị giám sát, làm gì cũng bị căn vặn nên cô ngày càng khép kín, không giao tiếp với người ngoài, chẳng có bạn bè gì. Đến khi tốt nghiệp đại học, bố mẹ xin việc làm cho, và khi không hứng thú với công việc, muốn chuyển chỗ, thì cô bị cả nhà quây lại nhiếc móc "Con thì làm được ở đâu nữa mà đòi chuyển" hay "Mày mà ra ngoài đời thì có mà chết ngay"... càng khiến cô chán nản.

Cũng sốt ruột và bực mình khi thấy con gái đã 29 tuổi mà vẫn chưa có anh nào ngấp nghé, bố mẹ Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) đã phải nhờ rất nhiều người mai mối cho con. Thế nhưng, hễ có anh nào tới gặp mặt là Nhung, hoặc sẽ ngồi im, cúi mặt chẳng nói gì cả buổi, để mặc cho "đối tác" hỏi rồi tự trả lời, hoặc sẽ chạy trốn vào phòng đóng chặt cửa. Bố mẹ lẫn các anh của cô đều rất tức giận và không tiếc lời mắng mỏ nhưng Nhung vẫn không thay đổi.

Khi nói chuyện với nhà tâm lý, anh trai của Nhung kể rằng, trong khi những thành viên khác của gia đình đều rất giỏi giang, xuất sắc trong cả học hành, công việc lẫn giao tiếp xã hội thì Nhung lại chỉ thuộc dạng "tầm tầm bậc trung". Cô quá hiền lành, ù lì nên không thể nắm bắt được các cơ hội tốt trong cuộc sống nên tất cả mọi việc các anh chị và bố mẹ đều phải làm thay.

Theo chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám Tu Na, với những trường hợp như của Ngọc, Nhung thì các chuyên gia phải tư vấn cho chính bố mẹ, anh chị em của họ trước, để những người này thay đổi cách suy nghĩ và thái độ đối với con, em mình. Nhà tâm lý cho hay, việc các cô gái ngại giao tiếp, sống khép kín, thụ động, khó khăn khi tìm kiếm bạn đời... chính là hệ quả của cách giáo dục và thái độ từ bố mẹ họ.

Chị cho biết, đa số trường hợp này là được sinh ra trong những gia đình trí thức, có anh chị em là những người rất xuất sắc, nổi bật. Họ là người thua kém nhất, không được như mong đợi của bố mẹ nên trở thành nỗi phiền muộn, thất vọng của người thân. Chính thái độ hoặc là quá coi thường nên hay mạt sát, so sánh, hoặc vì thương hại nên quá bao bọc đã khiến họ mặc cảm, khép kín, không có cơ hội va vấp với cuộc sống và giao tiếp với cộng đồng, vì thế họ ngày càng cô lập hơn.

Theo chị Nga, thường khi được gợi mở, tạo cảm giác thân mật, an toàn, những "bệnh nhân" này trở nên rất hoạt bát và họ thổ lộ mong muốn được đánh giá đúng, được sống chan hòa, bình thường như bao người khác. Họ cũng khao khát được yêu thương, có gia đình đầm ấm.

Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tu Na cho biết, không chỉ những cô gái tự ti vì hay bị so sánh với các anh chị em trong gia đình mới khó khăn trong giao tiếp với người khác giới mà có những người, vì cố gắng giữ mình để làm hài lòng bố mẹ mà thành ra khó tìm được tình yêu.

Câu chuyện của Thanh - cô gái 27 tuổi, trị liệu tại phòng khám cách đây vài tháng điển hình cho trường hợp này.

Sinh ra trong một gia đình nề nếp và hiếu học, từ nhỏ tới lớn, Thanh luôn là con ngoan, trò giỏi. Cô tâm sự, dù nhiều lúc cảm thấy vô cùng mệt mỏi với việc học hành và thèm khát được vui chơi hay mong có những người bạn khác phái như các cô bạn cùng lứa, nhưng Thanh phải cố gạt bỏ tất cả vì sợ bố mẹ thất vọng. Cô chỉ biết học, làm việc, ở nhà, không dám giao du bạn bè, nhất là bạn trai, cho tới tận khi tốt nghiệp đại học, đi làm. Cô vẫn được bố mẹ lấy làm tấm gương để giáo dục các em không được yêu đương sớm hay tụ tập nhăng nhít.

Thế nhưng, khi các bạn cùng tuổi đã yên bề gia thất, bố mẹ cũng giục lấy chồng, bản thân Thanh cũng muốn có người yêu thì cô lại không thể tạo mối quan hệ với người khác giới. Cô sợ giao tiếp với đàn ông, luôn lo lắng và nghĩ rằng mình sẽ khó làm được vai trò làm mẹ, làm vợ.

Gần đây, sau khi đến trò chuyện với nhà tư vấn tâm lý, Thanh quyết định sẽ đi du lịch một chuyến để thư giãn, sống cho bản thân và tìm sự tự tin vào chính mình trước phái mạnh.

Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, gia đình là môi trường giáo dục rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, suy nghĩ, lối sống của mỗi người. Sự áp đặt, so sánh hay bao bọc quá mức của bố mẹ sẽ khiến con cái họ trở nên thụ động, thiếu tự tin trong cuộc sống. Những trường hợp này, thường sau một thời gian được nhà tâm lý tham vấn và nhận được sự động viên, khuyến khích của gia đình đều thay đổi và hòa nhập với cuộc sống rất nhanh.

Tin cùng chuyên mục